Tọa đàm về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất tại trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Ngày 16/5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp cùng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tổ chức tọa đàm Tổng quan về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường đại học.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Tham dự buổi tọa đàm, về phía Tổng cục TCĐLCL có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh văn phòng Tổng cục và đại diện các Vụ, Viện thuộc Tổng cục.
Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng, các cán bộ, giảng viên và đông đảo sinh viên trong trường.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, xét về dài hạn năng suất hầu như là tất cả và đóng góp chủ yếu vào năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo nghiên cứu Tổng cục Thống kê công bố năm 2022, giai đoạn 2011-2020 năng suất tăng trưởng bình quân của Việt Nam chỉ có 5,29% cho thấy tốc độ tăng trưởng thấp so với Singapore, Thái Lan và các nước khác. Câu hỏi đặt ra là tại sao năng suất của Việt Nam lại thấp và bằng cách nào để cải thiện tăng năng suất? Có nhiều yếu tố cải thiện nhưng một trong những yếu tố cực kì quan trọng chính là chất lượng sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Khi sinh viên ra trường rất cần các kĩ năng để cùng doanh nghiệp tạo ra năng suất và đồng hành cùng doanh nghiệp cải thiện năng suất.
TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội.
“Nhà trường hy vọng buổi tọa đàm sẽ giúp sinh viên tiếp cận những định hướng nâng cao năng suất theo quan điểm hiện đại, công cụ cũng chính là tiền đề cho sinh viên tiếp tục học tập, nghiên cứu trong trường và khi ra trường sẽ có hành trang về cải thiện năng suất, những kiến thức, năng lực giúp sinh viên cải thiện cuộc sống của chính mình, cải thiện năng suất doanh nghiệp, năng lực quốc gia”, TS Hiệp nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục đã có bài tham luận với chủ đề “Năng suất trong mọi người”, trong đó đi sâu vào các vấn đề: Tiến hoá năng suất trong cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; Triển khai hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo để cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững… nhằm mang đến những kiến thức cơ bản, cốt lõi giúp các sinh viên tiếp thu dễ dàng hơn.
TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh văn phòng Tổng cục đã chia sẻ tình hình triển khai tọa đàm tại các trường đại học cùng với đó là nội dung hỗ trợ cho CLB trường trong năm 2023-2024, trong đó có 5 nội dung bao gồm: (1) Phổ biến các nội dung về năng suất và đổi mới sáng tạo, (2) Đào tạo chuyên gia năng suất cho giảng viên, sinh viên, (3) Cung cấp các khóa đào tạo của Tổ chức năng suất Châu Á (APO) cho CLB, (4) Hướng dẫn sinh viên thực hành năng suất, (5) Hướng dẫn sinh viên tổ chức cuộc thi tìm hiểu năng suất.
TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục và TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội trao đổi và giải đáp những thắc mắc của sinh viên.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia, giảng viên của trường đã có phần trao đổi, chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của sinh viên liên quan đến vấn đề năng suất.
Theo Tổng cục TCĐLCL, chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 và 2021 – 2030” được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục chủ trì. Để năng suất chất lượng được nhận thức và triển khai hiệu quả hơn nữa trong thực tế, việc nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, những người sẽ làm năng suất trong tương lai là hết sức cần thiết.
tcvn.gov.vn