Hiệu quả áp dụng công cụ nhóm huấn luyện (TWI) tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng

Đoàn công tác của Bộ KHCN kiểm tra định kỳ quá trình triển khai áp dụng công cụ nhóm huấn luyện (TWI) tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng thuộc chương trình NSCLQG.

Nhằm đảm bảo chương trình NSCL Quốc gia theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được triển khai một cách có hiệu quả và thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Hôm nay, ngày 30 tháng 10 năm 2020, đoàn công tác của Bộ KHCN đến và làm việc tại Công ty CP Gỗ Dầu Tếng để kiểm tra định kỳ quá trình xây dựng và áp dụng công cụ TWI tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng do chuyên gia SMEDEC2 thực hiện tư vấn trong vòng 6 tháng qua.

Đại diện đoàn công tác của Bộ KHCN – Bà Nguyễn Kim Thanh – Phó vụ trưởng Vụ KHTC – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cảm ơn Ban lãnh đạo Công ty đã sắp xếp và tạo điều kiện để đoàn công tác làm việc tại Công ty. Tiếp theo đó, giới thiệu các nội dung làm việc, thành phần đoàn, mục đích và các nội dung khác có liên quan đến chương trình hỗ trợ trong những năm tiếp theo để Ban lãnh đạo Công ty nắm và tiếp tục đăng ký.

Đoàn công tác Bộ KHCN làm việc với Ban lãnh đạo Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng

Quá quá trình tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe sự chia sẽ kết quả áp dụng từ chương trình, đoàn công tác của Bộ KHCN ghi nhận, Công ty đã lựa chọn công cụ phù hợp với hiện trạng của Công ty đang gặp phải và áp dụng thành công công cụ TWI nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, tồn tại mà lâu nay doanh nghiệp chưa có phương án để xử lý triệt để. Cụ thể, những hiện trạng mà doanh nghiệp gặp phải và các giải pháp cụ thể đó là:

Công nhân lành nghề thường có năng suất lao động tốt, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao. Có rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp so với tuyển công nhân mới, tay nghề kém và nhất là họ thường làm việc không ổn định, dễ thay đổi nơi làm việc chỉ vì một vài lí do nhỏ. Thế nhưng để giữ chân được đội ngũ công nhân lành nghề cũng là một bài toán cho các doanh nghiệp vì doanh nghiệp không cần lượng lớn công nhân lành nghề nhưng họ vẫn cần những người dẫn dắt những công nhân mới.

Để thu hút những lao động chất lượng cao này, các doanh nghiệp thường đưa công nhân lành nghề vào những vị trí tốt như tổ trưởng, nhóm trưởng… có thể giúp họ đào tạo ra nhiều công nhân có tay nghề khá. Tuy nhiên, vì họ chỉ là một người công nhân lâu năm nên họ thiếu những kỹ năng quản lý cơ bản của một người quản lý.

Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng đi vào hoạt động từ 2005 với các lĩnh vực chính là khai thác, cưa xẻ, tẩm, sấy gỗ, mua bán gỗ, sản xuất hàng mộc gia dụng thị trường nội địa và xuất khẩu. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong hoạt động sản xuất trong đó có cả công nhân lành nghề, lâu năm và công nhân thời vụ.

Giai đoạn đầu khi tiếp cận với TWI thông qua Chương trình Năng suất Quốc gia – Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) chủ trì, doanh nghiệp đã gặp nhiều vấn đề như sản phẩm sai hỏng, lỗi, phải gia công lại nhiều làm tỷ lệ hao phí nguyên liệu cao, giảm chất lượng sản phẩm khiến tổn thất về doanh thu cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân được các chuyên gia SMEDEC 2 và đội ngũ cán bộ quản lý của doanh nghiệp xác định phần lớn là do con người, cụ thể là: Tay nghề công nhân không đồng đều nên tỷ lệ sai lỗi cao, mất nhiều nhân công để sửa chữa và tái chế; Đội ngũ giám sát viên (chủ yếu là công nhân lành nghề) chưa được tiếp cận nhiều với việc đào tạo từ bên ngoài để có phương pháp truyền đạt, hướng dẫn cho công nhân mới; Chưa có hệ thống đào tạo hiệu quả; Chất lượng nguồn nguyên liệu không đồng đều. Ngoài ra cũng còn những nguyên nhân khác như tổ chức mặt bằng, sắp xếp công cụ dụng cụ chưa hợp lý dẫn đến không gian làm việc hẹp, thiếu an toàn và khó cho thao tác của người công nhân.

Một trong những thuận lợi với Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng là doanh nghiệp đã và đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và nhiều công cụ khác nên lãnh đạo doanh nghiệp đã cam kết triển khai TWI với mong muốn TWI tiếp tục hỗ trợ duy trì các hệ thống và công cụ này thông qua các chỉ dẫn việc, cải tiến của TWI.

Với các vấn đề như sự không đồng đều tay nghề, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tỷ lệ sai lỗi cao, mất nhiều thời gian để kiểm soát chất lượng và xử lý hàng lỗi tại mỗi công đoạn, quá khó để đào tạo nhân viên là cơ hội để áp dụng kỹ năng chỉ dẫn công việc để chuẩn hoá tay nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ sai lỗi. Từ đó, các công nhân lành nghề có thêm phương pháp để hướng dẫn cho công nhân mới.

Với các vấn đề như nhân viên thiếu tuân thủ, mâu thuẫn đội nhóm là điều kiện để áp dụng kỹ năng quan hệ công việc để xử lý các vấn đề về con người.

Với các vấn đề như mặt bằng, vật dụng, dụng cụ chưa được sắp xếp khoa học là cơ hội để áp dụng kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc để phân tích và tìm thấy các cơ hội cải tiến sắp xếp mặt bằng, sắp xếp công cụ sản xuất và chuẩn hoá thao tác nhân viên.

Từ quá trình triển khai áp dụng TWI tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng, các bài học kinh nghiệm được đúc rút ra là: Lãnh đạo doanh nghiệp có nhận thức rõ về vai trò của phát triển nhân lực quản trị đối với sự phát triển bền vững của mình. Qua đó, chỉ đạo việc xây dựng các chính sách trong thú hút, tuyển dụng, phát triển nhân lực. Lãnh đạo doanh nghiệp vừa là người truyền cảm hứng, vừa là người trực tiếp đào tạo phát triển nhân lực cấp dưới.

Xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển nhân lực quản lý phù hợp với chiến lược, đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị, đáp ứng nhu cầu nhân lực quản trị đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng.

Doanh nghiệp ưu tiên phát triển nhân lực quản trị thông qua hoạt động đào tạo nội bộ, quá trình đào tạo gắn với công việc cụ thể nhằm nâng cao khả năng rèn luyện, tích lũy kiến thức, tăng cường kỹ năng, kinh nghiệm cho công việc quản lý sau này. Kết hợp giữa tổ chức đào tạo nội bộ với mời chuyên gia về giảng dạy tại đơn vị, nhằm bổ sung các phương pháp quản trị hiện đại cho cán bộ quản lý.

Sau khi đoàn công tác của Bộ KHCN lắng nghe trình bày của Lãnh đạo Công ty về những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp áp dụng TWI, những thành quả đạt được, định hướng mở rộng tương lai,…bên cạnh, đoàn công tác tham quan thực tế nhà máy sản xuất, các khu vực áp dụng TWI trước và sau cải tiến…, đoàn công tác của Bộ KHCN kết luận
Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng đã áp dụng thành công TWI vào hoạt động sản xuất và đã đạt được những thành quả thiết thực do TWI mang lại trong thời gian 6 tháng vừa qua.
Bên cạnh, đoàn đánh giá cao sự quyết tâm của Lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo sau sát quá trình thực hiện tại nhà máy. Bên cạnh, đoàn có nhiều góp ý cụ thể để doanh nghiệp có những cải tiến thêm nhằm duy trì và mở rộng phạm vi áp dụng công cụ TWI trong những năm tiếp theo.

NSCL