Quy trình quản lý tài chính nguồn đối ứng từ doanh nghiệp

 

Để huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính có hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), tạm thời cách thức xác định nguồn vốn đối ứng huy động từ các doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Khái quát về vốn đối ứng của các doanh nghiệp:

Vốn đối ứng từ các doanh nghiệp được xác định dưới 2 hình thức:

a) Đối ứng tại doanh nghiệp : phát sinh dưới hai hình thức:

– Đối ứng bằng hiện vật: được ghi nhận và quy đổi đối với những nội dung công việc từ phía doanh nghiệp và phát sinh dưới dạng hiện vật, không phải tiền mặt; thể hiện dưới các hình thức như: ngày công cử cán bộ, chuyên gia tham gia phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; bố trí phòng họp và các trang thiết bị làm việc;…

– Đối ứng bằng các khoản chi trực tiếp tại doanh nghiệp: là các nội dung chi trực tiếp từ tài khoản của doanh nghiệp để thực hiện các nội dung của nhiệm vụ. Các khoản chi này do doanh nghiệp quản lý và kiểm soát chi.

Hai hình thức này được gọi chung là Đối ứng bằng hiện vật.

b) Đối ứng bằng tiền: là khoản tiền tổ chức chủ trì nhiệm vụ thực huy động được của các doanh nghiệp thông qua hợp đồng kinh tế và xuất hóa đơn tài chính.

2. Thời điểm xác định vốn đối ứng:

Việc xác định vốn đối ứng từ doanh nghiệp phải thực hiện ngay khi nhiệm vụ được phê duyệt và phải được ghi nhận trong Thuyết minh nhiệm vụ đề nghị Tổng cục phê duyệt, cụ thể:

– Ở phần nội dung trong thuyết minh: ghi nhận nguồn vốn đối ứng tại mục 6 Phần I “Thông tin chung về nhiệm vụ”; tại mục 4 và mục 8 Phần II về phương án tài chính.

– Ở phần Phụ lục Dự toán kinh phí nhiệm vụ: Đề nghị thể hiện vốn đối ứng từ doanh nghiệp tại cột “Nguồn khác” và chi tiết theo từng nội dung chi. Đồng thời ghi chú ở phía dưới bảng dự toán chi tiết bao nhiêu đối ứng bằng hiện vật, bao nhiêu đối ứng bằng tiền.

Lưu ý: Việc xác định vốn đối ứng tại Thuyết minh nhiệm vụ là số cam kết tối thiểu phải huy động từ doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ.

3. Về quản lý và sử dụng nguồn vốn đối ứng:

3.1. Phương pháp xác định vốn đối ứng:

a) Đối ứng bẳng hiện vật:

– Đối ứng dưới dạng cử cán bộ, chuyên gia tham gia các khóa đào tạo chuyên gia đánh giá nội bộ, tham gia các cuộc họp và các buổi làm việc với tổ chức chủ trì (gọi tắt là đóng góp bằng ngày công lao động): Ghi nhận đóng góp bằng ngày công lao động chính là số ngày công thực tế mà cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp tham gia.

Quy đổi từ ngày công thành giá trị đóng góp theo định mức sau: thực hiện theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BKHCN-BTC (chi tiết theo Biểu số 1-ĐƯ/HV đính kèm).

– Đối với đối ứng dưới dạng phòng họp, máy móc, thiết bị: quy đổi ra giá trị đóng góp theo giá thuê thực tế ngoài thị trường

– Đối với đối ứng dưới dạng chi trực tiếp từ doanh nghiệp: tính theo giá trị thực tế doanh nghiệp đã chi.

Chi tiết quy đổi đối ứng dưới các hình thức trên thực hiện theo Biểu số 2-ĐƯ/HV đính kèm.

b) Đối ứng bằng tiền:

Là số thực thu từ doanh nghiệp thông qua Hợp đồng kinh tế và Hóa đơn tài chính.

3.2. Quản lý và sử dụng vốn đối ứng:

Các tổ chức chủ trì thực hiện quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình 712 theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 16/9/2011 của Liên Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình 712, trong đó lưu ý sử dụng tối đa nguồn lực đối ứng của các doanh nghiệp, tiết kiệm chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:

a) Đối ứng bằng tiền:

– Đối với tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp thực hiện là các đơn vị sự nghiệp công lập: Đơn vị quản lý và sử dụng nguồn đối ứng bằng tiền huy động từ các doanh nghiệp theo quy định tài chính hiện hành áp dụng cho đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, cụ thể:

+ Định mức chi tiêu: thực hiện theo quy định tại Quy chế Chi tiêu nội bộ và các quy định hiện hành.

+ Chứng từ chi tiêu: thực hiện theo quy định tài chính hiện hành.

+ Hệ thống báo cáo: thể hiện đầy đủ trong Báo cáo tài chính và Báo cáo tiến độ thực hiện.

– Đối với tổ chức chủ trì là các doanh nghiệp: thực hiện quản lý nguồn vốn đối ứng bằng tiền huy động từ các doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Chi tiết các khoản thu – chi đối ứng bằng tiền theo Biểu số 3-ĐƯ/TM đính kèm.

b) Đối ứng bằng hiện vật:

– Chứng từ: Trên cở sở xác định vốn đối ứng theo hướng dẫn ở phần trên, chứng từ xác định phần đóng góp vốn đối ứng bằng hiện vật thực hiện theo các Biểu số 1-ĐƯ/HV, Biểu số 2-ĐƯ/HV đính kèm.

Trên đây là tổng quan phương thức xác định kinh phí đối ứng thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia năng suất chất lượng, bao gồm cả các phụ biểu đính kèm./.

CONGTUC