Hành trình mang năng suất đến sinh viên các trường đại học và cao đẳng
Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý để nâng cao năng suất cho doanh nghiệp và đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 trong đó có mục tiêu đến năm 2025 hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động năng suất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) đã phối hợp với 15 trường đại học và cao đẳng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam tổ chức tọa đàm “Tổng quan về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường đại học” nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về năng suất chất lượng và triển khai hiệu quả hơn nữa trong thực tế.
Năng suất chất lượng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Việc nâng cao năng suất giúp chống lãng phí, tiết kiệm tài nguyên trong bối cảnh các nguồn lực về nguồn vốn, tài nguyên, lao động bị hạn chế. Nâng cao năng suất cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế.
Đối với môi trường giáo dục nói chung, năng suất đóng vai trò quan trọng góp phần tăng hiệu quả quản lý, giảng dạy, học tập. Năng suất là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy tại trường, là tiền đề để nâng cao sức cạnh tranh, uy tín của trường trong nước với quốc tế. Do đó, rất nhiều nhà trường mong muốn các kiến thức, thông tin về năng suất chất lượng được truyền tải tới thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên đang công tác và học tập tại trường.
Trong hành trình mang năng suất đến 15 trường đại học và cao đẳng, Tổng cục với đoàn chuyên gia hàng đầu về năng suất đã chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích, đem lại kiến thức cốt lõi về năng suất cùng với đó là tư duy quản lý năng suất và đổi mới sáng tạo.
Theo ghi nhận của trường, sinh viên nói riêng, thế hệ trẻ nói chung chính là những hạt nhân, mầm non tương lai để xây dựng một Việt Nam giàu mạnh hơn. Vì vậy, ban lãnh đạo nhà trường hy vọng, sau khi ra ra trường và làm việc, thậm chí đứng ở vai trò chủ doanh nghiệp, sinh viên sẽ có sự quan tâm sâu sắc hơn đối với vấn đề nâng cao năng suất chất lượng, vận dụng hiểu biết đã có về năng suất chất lượng áp dụng vào doanh nghiệp, sản xuất góp phần nâng cao năng suất chung của nền kinh tế.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia từ phía Tổng cục đã chia sẻ những nội dung bổ ích và thiết thực liên quan đến chương trình hỗ trợ cho sinh viên các trường về hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo thông qua mô hình câu lạc bộ về năng suất cho sinh viên thông qua 5 nội dung: Thứ nhất, phổ biến các nội dung về năng suất và đổi mới sáng tạo; thứ hai, đào tạo chuyên gia năng suất cho giảng viên, sinh viên; thứ ba, cung cấp các khóa đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) hàng tháng cho Câu lạc bộ; thứ tư, hướng dẫn sinh viên thực hành năng suất (5S, Layout…); thứ năm, hướng dẫn sinh viên tổ chức cuộc thi tìm hiểu năng suất.
Chương trình tọa đàm tại 15 trường đại học và cao đẳng được hưởng ứng rất nhiệt tình và sôi nổi với số lượng lên đến hơn 3.000 các bạn sinh viên tham dự, Chương trình tọa đàm cũng trở nên thiết thực và ý nghĩa hơn với phần hỏi đáp giữa sinh viên và chuyên gia từ Tổng cục.
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra như: Vì sao doanh nghiệp phải áp dụng các hệ thống quản lý để nâng cao năng suất? Doanh nghiệp nào áp dụng công cụ, hệ thống quản lý nâng cao năng suất thành công? Giải pháp nào để nâng cao năng suất tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng? Năng suất và đổi mới sáng tạo có giúp Việt nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình không? Lúa cao sản có phải lúa năng suất cao hay không?
Chuyển đổi số có giúp nâng cao năng suất không? Học về năng suất và đổi mới sáng tạo có giúp dễ xin việc hay không? Học năng suất giúp gì cho sinh viên ngành báo chí? Kế toán trưởng thì học năng suất để làm gì, áp dụng được trong công việc sau này? Học năng suất có giúp kiểm soát được chi tiêu các nhân không, có làm giàu không?… Tất cả câu hỏi đều được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ, hợp lý, tạo sự hứng khởi về vấn đề năng suất, chất lượng.
Trong thời gian tới, nhiều trường đã có kế hoạch đưa năng suất chất lượng vào môn học của trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính, Đại học kinh tế Huế, Đại học Bách Khoa TP.HCM,… để đào tạo kiến thức, nâng cao nhận thức cho sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để sinh viên có đủ hành trang áp dụng vào thực tiễn tại các cơ quan, doanh nghiệp…
Năng suất rất quan trọng vì nó là thước đo hiệu quả của lực lượng lao động trong sản xuất. Nó bao gồm việc sử dụng nguồn nhân lực, máy móc, tài chính và các cơ chế khác nhằm tạo ra nguồn lợi cho việc kinh doanh. Hơn nữa, năng suất cao giúp mọi doanh nghiệp đạt được mục tiêu mong muốn của mình. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra điều này nên có thể bỏ lỡ cơ hội thành công. Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng thì chìa khoá chính là nâng cao, cải tiến năng suất.
vietq.vn