Chương trình 712 – Định hướng triển khai 2030
KẾT QUẢ NỔI BẬT
– Từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất và chất lượng; góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động năng suất chất lượng của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
– Góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp nói riêng và phạm vi nền kinh tế nói chung bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (11.500 TCVN; tỷ lệ hài hòa khoảng 54%), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (khoảng 780 QCVN); mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL cụ thể áp dụng trong doanh nghiệp. Hình thành hệ thống tài liệu, giáo trình về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng (với khoảng 50 đầu sách các loại…)
– Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Số doanh nghiệp được cấp chứng nhận hệ thống quản lý ở nước ta đều tăng năm sau so với năm trước. Nhiều tiêu chuẩn quốc tế mới được ghi nhận đã triển khai áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam.
Với việc thúc đẩy áp dụng các Hệ thống quản lý ISO 9001, ISO 14001 đã góp phần cải thiện (gia tăng) các chỉ số thuộc nhóm Chỉ số đổi mới sáng tạo GII của Việt Nam theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ.
– “Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 35% vào năm 2020”
ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI TIẾP THEO
Tiếp tục xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao NSCL giai đoạn đến năm 2030” theo chỉ đạo tại các Nghị quyết của Đảng (NQ 05, NQ 23); Quốc Hội (NQ 297); Chính phủ (NQ 139, NQ 19)…
Nội dung chính:
– Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
– Thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững, bảo đảm các quy định pháp luật về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn thông tin, và trách nhiệm xã hội.
– Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.